Hình ảnh người chiến sĩ công an đẹp trong mắt người dân

0 nhận xét

Thường xuyên theo dõi, lắng nghe và hướng dẫn từng đơn vị thi đua thực hiện tốt văn hóa ứng xử, Đại tá Phạm Xuân Bình luôn có những trăn trở. Làm sao để từng cá nhân, từng đơn vị có những ứng xử văn hóa phù hợp với đặc trưng công việc của từng lĩnh vực công tác phục vụ nhân dân…

“Trong những năm qua, Công an Ninh Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chấp hành tốt mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Công an trên mọi mặt công tác. Để phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, Công an Ninh Bình cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Để thực hiện tốt cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, tạo điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân, để hình ảnh người chiến sĩ Công an Ninh Bình đẹp trong mắt người dân”. Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động Bộ Công an đã nhấn mạnh trong hội thảo khoa học thực tiễn “Văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Ninh Bình”.

Đại tá Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình.

Đại tá Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình.

1. Đại tá Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình: Công an cơ sở là người gần gũi với dân nhất

Thường xuyên theo dõi, lắng nghe và hướng dẫn từng đơn vị thi đua thực hiện tốt văn hóa ứng xử, Đại tá Phạm Xuân Bình luôn có những trăn trở. Làm sao để từng cá nhân, từng đơn vị có những ứng xử văn hóa phù hợp với đặc trưng công việc của từng lĩnh vực công tác phục vụ nhân dân.

- Thưa Đại tá, để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an đẹp trong mắt người dân, Công an tỉnh Ninh Bình đã thực hiện ra sao?

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về Cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, Công an Ninh Bình đã phát động thi đua trong toàn lực lượng, chấp hành nội vụ, chấn chỉnh từ nơi ăn chốn ở tới nơi làm việc, lễ tiết tác phong của từng cán bộ chiến sĩ. Nhìn chung, từng đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị mình.

- Việc làm cụ thể là gì, thưa đồng chí?

Việc đầu tiên là mỗi cán bộ, chiến sĩ viết 1 bản đăng ký thi đua cá nhân trong thực hiện Cuộc vận động. Mỗi việc làm hàng ngày đều bám theo bản đăng ký mà thực hiện. Sau thời gian thực hiện 4 tháng, sẽ có đánh giá cụ thể tới từng cá nhân, từng đơn vị. Sau đó, tiếp tục đi sâu vào chuyên đề “văn hóa ứng xử” trong điều kiện, hoàn cảnh của đơn vị mình sao cho phù hợp. Các đơn vị tổ chức tọa đàm về văn hóa ứng xử trong điều kiện hoàn cảnh của đơn vị mình.

- Trong 4 nội dung nêu trên thì nội dung nào là quan trọng và đáng quan tâm nhất, thưa đồng chí?

Soi vào 4 nội dung này, tập trung nhiều nhất vẫn là ứng xử với nhân dân. Đầu tiên là lực lượng CSGT, tiếp đến là Cảnh sát điều tra, sau nữa là Công an các huyện, thị xã, các đơn vị cơ sở hằng ngày hàng giờ tiếp xúc giải quyết công việc với người dân. Bởi vì, công tác ANTT ở cơ sở là chính, đều từ cơ sở, là lực lượng ảnh hưởng trực tiếp… Ví dụ, Cảnh sát giao thông thì điều hành giao thông hàng ngày, chỉ 1 người lính đứng ở ngã tư là giao thông cũng đảm bảo đi đúng luồng đường. Vì thế giao tiếp ứng xử của Cảnh sát giao thông với người dân cứ diễn ra hằng ngày. Cảnh sát điều tra  thì liên quan tới sinh mạng chính trị của con người, nghiêm cấm bức cung, nhục hình… nói chung là vậy, các lực lượng khác cũng phải quan tâm. Tất cả cùng vào cuộc để xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Ninh Bình thật đẹp.

2. Đại tá Màn Chí Nguyện, Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác quần chúng: Xây dựng mỗi cán bộ, chiến sỹ là một chiến sĩ văn hóa

Đơn vị tôi là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” của Công an tỉnh. Chúng tôi đã đề xuất triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả 7 nội dung của Cuộc vận động. Đặc biệt là hướng dẫn 35/35 đơn vị cơ sở tổ chức sinh hoạt chính trị nâng cao nhận thức, liên hệ tự phê bình và phê bình trong cán bộ, chiến sỹ, tổ chức tọa đàm về văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an.

Để tiếp tục thực hiện chuyên đề này, thời gian tới đơn vị tiếp tục tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh ban hành nhiều tiêu chí về văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sỹ Công an Ninh Bình trên 4 nội dung. Đồng thời xây dựng một số tình huống liên quan đến văn hóa giao tiếp ứng xử thường xảy ra trong thực tiễn để cán bộ, chiến sỹ thảo luận đóng góp giải pháp, coi đây là những tình huống mẫu để cán bộ, chiến sỹ vận dụng thực hiện với mục tiêu: Mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Ninh Bình là một chiến sĩ văn hóa, mỗi đơn vị Công an là một đơn vị văn hóa.

3. Đại úy Trần Chí Hiếu, Trưởng Ban công tác thanh niên: Thanh niên luôn là lực lượng nòng cốt

- Đây là cuộc vận động lớn trong lực lượng Công an, tuổi trẻ Công an Ninh Bình đã làm gì để hưởng ứng cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”, thưa đồng chí?

Tuổi trẻ Công an Ninh Bình luôn là lực lượng xung kích đi đầu. Chiếm hơn 60% biên chế toàn lực lượng, đây là dịp để mỗi chúng tôi tự kiểm tra lại bản thân, từ đó có biện pháp khắc phục những hạn chế khuyết điểm trong chấp hành nội vụ, điều lệnh đội ngũ, quy trình công tác… chuyển từ nhận thức sang hành động, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

- Đồng chí hãy nêu cụ thể những cách làm hay mà các đoàn viên đã thực hiện và thu được hiệu quả ở Công an Ninh Bình?

Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng nếp sống văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đoàn viên thanh niên góp phần rất lớn. Đó là những giải pháp, trong  sinh hoạt chi đoàn định kỳ hoặc đột xuất, từng đoàn viên phải tiến hành kiểm điểm những gì đã làm được, những gì chưa làm được và có các biện pháp khắc phục cụ thể. Những cách làm hay, sáng tạo, cá nhân điển hình tiên tiến được nhân rộng hơn và phê bình kiểm điểm những tập thể, cá nhân chây ì. Để trở thành những đoàn viên ứng xử có văn hóa, mỗi đoàn viên đã thực hiện tốt 10 quy tắc trong giao tiếp sau đây: Ân cần, nhất là đối với nhân dân; ngay ngắn, trang phục gọn gàng; chuyên chú, không làm việc riêng khi giao tiếp, đặc biệt là khi làm việc với nhân dân; đĩnh đạc, không trả lời thủng thẳng, nhát gừng, cộc lốc; đồng cảm; ôn hòa; rõ ràng; nhiệt tình; nhất quán; khiêm nhường. Tất cả các đoàn viên thanh niên có văn hóa ứng xử tốt đã tạo nên hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an Ninh Bình sống trong lòng dân…

Kim Quý


(Theo website Tô Lâm)

Leave a Reply