Cảnh sát giao thông “Đội cả trời nắng to” để thông đường mùa thi

0 nhận xét

Làm nhiệm vụ ở nơi công cộng nên mọi hoạt động của CSGT đều nằm trong tầm mắt của người dân. Thế nên từ hình thức bên ngoài đến lời nói, cử chỉ đều phải đúng mực. Tôi tin chắc rằng, hình ảnh các chiến sỹ CSGT Thủ đô “đội cả trời nắng to” để duy trì trật tự giao thông mùa thi hẳn cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thí sinh khi về Hà Nội dự thi.

1. Bản tin thời tiết ngày 9/7 tiếp tục phát đi những thông tin về nắng nóng. Tông màu đỏ biểu thị nắng nóng trải rộng từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Giọng đọc truyền cảm của cô phát thanh viên kèm nhận định, tình hình thời tiết này bất lợi cho các thí sinh càng làm cho cái nắng nóng đỉnh điểm càng thêm… nóng. Tính đến thời điểm hiện tại, 2/3 đợt thi của mùa tuyển sinh năm nay đều rơi vào những ngày nắng nóng.

Trận mưa rào tối 7/7 những tưởng đã cắt được cái nắng nóng trong ngày khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 43 độ C. Thế nhưng chỉ được nửa buổi sáng 8/7 là mát mẻ, còn sau đó ánh nắng lại trải dài trên khắp các con phố. Sáng 8/7 là buổi thí sinh làm thủ tục nên mật độ giao thông ngay từ sáng sớm đã lớn hơn ngày thường. So với thi đợt 1, đợt 2 này số lượng thí sinh ứng thi lớn hơn, tính chất phức tạp về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cũng được tiên lượng trước.

Trước đó, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã có kế hoạch đảm bảo TTATGT cho mùa thi năm nay. Kết quả đợt thi 1, các thí sinh đi đến nơi, về đến chốn an toàn là kết quả của sự chuẩn bị từ trước và thực hiện đúng kế hoạch vạch ra. Duy trì thời khóa biểu trong mùa thi: 4h45′ có mặt tại đơn vị. 5h đứng chốt và luôn có mặt tại các điểm nút giao thông đến 22h là cách “dàn quân” của Phòng CSGT nhằm đảm bảo giao thông thông suốt từ cửa ngõ Thủ đô đến tận các điểm thi.

Thượng sỹ Nguyễn Quang Thảo, một chiến sỹ CSGT mới có thâm niên “đứng đường” chưa đầy một năm cho biết, làm việc tại một đơn vị lực lượng vũ trang, việc tuân thủ đúng giờ giấc là nguyên tắc bất di bất dịch. Chúng tôi đứng ở góc đường Nguyễn Xiển – Nguyễn Trãi hướng về Ngã Tư Sở chỉ một lúc nhưng mồ hôi ướt đầm đìa, mặt đỏ ửng. Thế mà 5 chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ tại đây suốt 4h liền.

Mà anh em nào chỉ đứng một chỗ, họ phải di chuyển liên tục quanh khu vực bùng binh “khủng” mà mỗi lần chỉ đi từ góc đường này sang góc đường kia thôi cũng đã mấy trăm mét. Đi lại, làm nhiệm vụ ở nơi chỉ có nắng và nắng, cái mũ cát – một phương tiện mới được trang bị cho CSGT một năm gần đây phát huy tác dụng rõ rệt. Đỉnh đầu được che đi cái nắng chiếu rọi thẳng vào nhưng khuôn mặt thì vẫn bị nắng táp.

Nắng nóng đã gây ra những khó khăn nhất định cho các chiến sỹ CSGT khi làm nhiệm vụ, những thiếu sót, hư hỏng của các thiết bị điều hành giao thông càng làm cho công việc của các anh thêm nặng nhọc. Tại ngã tư cầu Trắng (Hà Đông), gần một tháng năm đèn tín hiệu hỏng, ngành GTVT đang lắp đặt hệ thống mới. CSGT phải đứng ra làm đèn tín hiệu, bất kể vào giờ cao điểm hay “thấp điểm”.

CSGT

CSGT "đội nắng" giữ gìn an toàn giao thông phục vụ ngày thi 9/7.

Lưu lượng xe từ đường 70 lên, từ Nguyễn Trãi, quốc lộ 6 xuống khiến cho mật độ luôn đông đúc nên không thể thiếu CSGT đứng ra làm nhịp đèn xanh, đèn đỏ được. Trong những ngày thi này, lượng thí sinh từ các huyện ngoại thành vào nội thành thi cũng rất lớn. Xe máy lại là phương tiện chủ lực, nếu không điều hành khéo dễ dẫn đến ùn tắc.

2. Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, tình hình giao thông ở ngã ba Pháp Vân – Giải Phóng vào những ngày diễn ra kỳ thi đại học đợt 2 không căng thẳng như một số điểm giao thông trọng yếu ở nội thành. Ngày 6 và 7/7, khi lượng thí sinh đổ về Thủ đô lớn, Đội CSGT số 4 đã tăng cường quân số điều hành giao thông tại đây. Trưa 10/7, khi các thí sinh thi xong môn cuối cùng sẽ đổ ra bến xe để về quê nên kíp trực từ 10h -14h không được rời vị ví. Hết ngày 10-7, lượng thí sinh rời Hà Nội sẽ vơi dần và rồi kế hoạch đảm bảo giao thông cho đợt thi thứ 3 lại bắt đầu.

Tại ngã tư Đại Cồ Việt – Lê Duẩn – Giải Phóng – Đào Duy Anh, chúng tôi gặp kíp trực gồm các đồng chí Nguyễn Gia Long, Nguyễn Viết Tráng và một sinh viên thực tập. Lúc đó là 10h30′ nhưng lưu lượng xe qua lại nút giao thông này vẫn rất lớn. Điều này khác với thường lệ bởi đây là giờ “thấp điểm”. Cũng là một ngã tư rộng, mật độ phương tiện giao thông lớn nhưng CBCS làm nhiệm vụ tại đây may mắn hơn đồng đội bám chốt Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi là còn được hưởng bóng mát của dãy cây xanh ở Trường Đại học Bách Khoa mỗi khi qua giờ cao điểm được rời vị trí đứng chốt ở trung tâm ngã tư.

Tại điểm thi Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Tự nhiên sáng 9/7, không có tình trạng phụ huynh đỗ xe bừa bãi ở làn đường dành cho xe bus. Phụ huynh chờ con được hướng dẫn gửi xe vào bãi xe của trường, để trên vỉa hè… Việc chú ý sắp xếp chỗ để xe ngay từ đầu đã ngăn chặn được nguy cơ gây ùn tắc cục bộ ở điểm thi có lượng thí sinh tham dự lớn vào bậc nhất ở khu vực quận Thanh Xuân.

3. Làm nhiệm vụ ở nơi công cộng nên mọi hoạt động của CSGT đều nằm trong tầm mắt của quần chúng nhân dân. Thế nên từ hình thức bên ngoài đến lời nói, cử chỉ đều phải đúng mực. Tôi tin chắc rằng, mỗi thí sinh khi về Hà Nội dự thi đều nhìn thấy CSGT đang làm nhiệm vụ. Hình ảnh các chiến sỹ CSGT Thủ đô “đội cả trời nắng to” để duy trì trật tự giao thông mùa thi hẳn cũng để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các em.

Thiếu úy Nguyễn Ngọc Cường, Đội CSGT số 7 đang làm nhiệm vụ ở nút giao thông Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi: Vào ngày thường, CSGT có mặt tại các vị trí làm nhiệm vụ điều hành giao thông lúc 6h. Nhưng trong 9 ngày thi của 3 đợt thi đại học, cao đẳng, anh em phải bám đường sớm hơn 1h. Đây là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn ngay những nguy cơ ách tắc giao thông nếu có phát sinh. Việc thức khuya, dậy sớm, có mặt ở đơn vị đúng giờ điểm danh quân số, chào cờ, đứng chốt là kỷ luật được CBCS tuân thủ thành nếp. Thế nên dẫu trong những ngày thi, giờ làm việc sớm hơn thường lệ nhưng anh em vẫn thực hiện đều răm rắp. Điều này thể hiện tính kỷ cương, kỷ luật của đơn vị cũng như tác phong của từng CBCS.

Cao Hồng.


(Theo website Tô Lâm)

Leave a Reply